NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG VIÊM PHỔI CỘNG ĐỒNG Ở TRẺ EM

KHỎE MỖI NGÀY • Thứ sáu, 25/09/2020 - 08:33 (GMT+7)

Viêm phổi cộng đồng là gì?

Viêm phổi là tình trạng tổn thương nhu mô phổi, có thể lan tỏa cả hai phổi hoặc tập trung ở một thùy phổi

Viêm phổi cộng đồng là viêm phổi ở ngoài cộng đồng, hoặc 48 giờ đầu tiên nằm viện.

Viêm phổi là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 19%) trong các nguyên nhân. Và trong những trường hợp viêm phổi có đến 7-13% trẻ có dấu hiệu nặng, đe dọa tính mạng cần phải nhập viện. Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm phổi là do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn, suy dinh dưỡng, cân nặng khi sinh thấp, không được tiêm phòng sởi đầy đủ hoặc do ô nhiễm của không khí.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi ở trẻ em có thể do virus, vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác. Theo WHO các nguyên nhân hay gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (HI)Respiratory Syntycial Virus (RSV). Ở trẻ lớn thường gặp viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, đại diện là Mycoplasma pneumoniae. Ngoài ra, còn có các vi khuẩn khác cũng là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em như: tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn ho gà, M. catarrhalis, C. pneumoniae.

Nguyên nhân viêm phổi thường gặp theo lứa tuổi:

  • Trẻ sơ sinh: Liên cầu B, trực khuẩn Gram âm đường ruột. Listeria monocytogenes, Chlamydia trachomatis.
  • Trẻ 2 – 5 tháng tuổi: Phế cầu, HI, M. pneumoniae (sau 3 tuổi chiếm  1/3 tuổi trong số các nguyên nhân), tụ cầu.
  • Trẻ ≥ 5 tuổi: M. pneumoniae (chiếm khoảng 50% các nguyên nhân), phế cầu, tụ cầu,…

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ

Trẻ bị viêm phổi sẽ có triệu chứng ho, sốt và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

  • Thở nhanh.
  • Rút lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực lõm vào ở thì hít vào).
  • Khám phổi thấy bất thường: giảm thông khí, có tiếng bất thường (ran ẩm, ra phế quản, ran nổ,…).

Cần chú ý khi liên hệ ngay bác sĩ khi trẻ có thêm một trong các biểu hiện sau:

  • Trẻ bỏ bú hoặc không uống được.
  • Rối loạn tri giác: lơ mơ hoặc hôn mê.
  • Co giật.
  • Thở rên, rút lõm lồng ngực rất nặng.
  • Tím tái.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Điều trị viêm phổi cộng đồng ở trẻ

Viêm phổi có thể được điều trị tại nhà bằng các thuốc đường uống theo chỉ định của bác sĩ như:

- Trẻ < 5 tuổi: Nguyên nhân hay gặp là phế cầu và HI, kháng sinh lựa chọn:

  • Amoxicillin 80 mg/kg/ngày, uống, chia 2 lần. Hoặc
  • Amoxicillin-clavulanic 80 mg/kg/ngày, uống, chia 2 lần.
  • Thời gian điều trị 5 ngày.

- Trẻ ≥ 5 tuổi: nguyên nhân thường gặp nhất là M. pneumoniae, kháng sinh lựa chọn đầu tiên là Macrolid:

  • Erythromycin 40 mg/kg/ngày, chia 4 lần, uống khi đói. Hoặc
  • Azithromycin 10 mg/kg/ngày, uống 1 lần khi đói. Hoặc
  • Clarithromycin 15 mg/kg/ngày, uống chia 2 lần.
  • Thời gian điều trị 7 ngày (trừ Azithromycin dùng 3-5 ngày).

Những trường hợp viêm phổi nặng cần được điều trị ở bệnh viện.

Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em

Để giảm tỷ lệ viêm phổi ở trẻ em cần có những biện pháp chăm sóc trước sinh, dinh dưỡng đầy đủ, cải thiện đời sống và môi trường.

  1. Chăm sóc trước sinh:

Đảm bảo sức khỏe tốt cho bà mẹ, tiêm phòng vắc xin Rubella trước mang thai, dinh dưỡng đầy đủ, khám thai đầy đủ để hạn chế tối đa trẻ sinh ra bị nhẹ cân, thiếu tháng và những vấn đề bất thường khác.

  1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý:

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho bú đến ít nhất 12 tháng tuổi. Đồng thời bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho trẻ trong quá trình ăn dặm.

  1. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo lịch tiêm chủng:

Tiêm đầy đủ các vắc xin sởi, Hib, ho gà, cúm, phế cầu là những biện pháp chủ động để phòng viêm phổi hiệu quả.

Ý kiến bạn đọc
19001910