LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH CƠN ĐỘT QUỴ XẢY RA

KHỎE MỖI NGÀY • Thứ bảy, 12/12/2020 - 10:44 (GMT+7)

Đột quỵ là một bệnh lý tim mạch và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một hội chứng lâm sàng bao gồm "các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài từ 24 giờ trở lên hoặc dẫn đến tử vong, mà không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu" và phần não bị tổn thương có thể do mạch máu bị tắc (nhồi máu não) hay mạch máu bị vỡ (xuất huyết não).  Khi phần não bị tổn thương, thì chức năng của của não dần mất đi, dẫn tới yếu, liệt nửa người. Tổn thương ở vùng não nào thì người bệnh sẽ biểu hiện những triệu chứng tổn thương tương ứng với vùng nào đó. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến nhất vẫn là méo miệng, nói ngọng, tay chân yếu liệt.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2015) đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong ở Việt Nam (21,7%) với tỷ lệ tử vong hàng năm là 150.000 (Health Grove, 2013). Đột quỵ thường gặp ở những người có độ tuổi từ 50 trở lên. Nhưng điều đó không có nghĩa là người trẻ tuổi không có nguy cơ đột quỵ. Độ tuổi đột quỵ đang dần được trẻ hóa khi tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang gia tăng mạnh mẽ, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ khoảng 25%, tăng gần 50% trong 12 năm qua.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nhưng đa phần, đột quỵ xảy ra ở các đối tượng như: người bệnh tim mạch (nguy cơ gấp 6 lần so với bình thường), người đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), người tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường). Đặc biệt, người có tiền sử đột quỵ có nguy cơ cao tái đột quỵ, nhất là trong vòng vài tháng đầu sau cơn đột quỵ đầu tiên. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian. Đột quỵ thiếu máu (chiếm khoảng 80%) xảy ra khi các bệnh lý này gây ra những tổn thương trên mạch máu, làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến não không được tưới máu. Còn đột quỵ xuất huyết thường do tăng huyết áp, có thể gây xuất huyết, vỡ mạch máu. Một số trường hợp khác có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn đông máu.

Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì, những người có vấn đề mỡ máu, các đối tượng thường xuyên sử dụng thuốc lá và các chất kích thích cũng là các đối tượng nguy cơ.

Phát hiện, xử lý khi có cơn đột quỵ

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ thế giới (WSO), thời gian “vàng” để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và “kim cương” là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong. Thế nên, khi có các dấu hiệu như: méo miệng, nói ngọng hãy gọi cấp cứu ngay vì đây là những dấu hiệu đầu tiên của cơn đột quỵ.

Khi phát hiện có người xuất hiện cơn đột quỵ, cần hành động đúng cách:

  • Gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân vào bệnh viện càng nhanh càng tốt

  • Đỡ người bệnh để tránh té ngã, tổn thương

  • Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.

Lưu ý, không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng các biện pháp như bấm huyệt, châm cứu, đánh gió,…vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng không nên tự ý cho bệnh nhân ăn uống gì hay dùng thuốc hạ huyết áp. Tốt nhất vẫn nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bệnh nhân được điều trị bởi các bác sĩ chuyên môn, tranh thủ thời gian “vàng” điều trị.

Phòng ngừa

Lưỡi hái tử thần sẽ rất khó buông tha cho một bệnh nhân đột quỵ nào. Vì thế, cách tốt nhất vẫn là phòng tránh không để cơn đột quỵ xảy ra. Cần kiểm soát tốt các bệnh lý kể trên, tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ để các căn bệnh trên được kiểm soát tốt nhất. Bên cạnh đó, cần có một lối sống lành mạnh, tránh lạm dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,...và tập thể dục thường xuyên.

Nguồn: sưu tầm

Ý kiến bạn đọc
19001910