BỆNH TAY CHÂN MIỆNG, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

KHỎE MỖI NGÀY • Thứ hai, 05/10/2020 - 07:50 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện chính là các tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Coxsackie virus A16 và Enterovirus týp 71. Trong đó, Coxsackie ít gây biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Còn Enterovirus týp 71 (EV71) có thể gây nhiều biến chứng như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ Tháng 3 đến Tháng 5 và từ Tháng 9 đến Tháng 12 hàng năm.

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng biểu hiện qua các giai đoạn như:

Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.

Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

  • Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
  • Sốt nhẹ.
  • Nôn.

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đâu?

Bệnh tay chân miệng lây lan nhanh và có thể bùng thành dịch, đặc biệt là ở những điểm sinh hoạt đông người như nhà trẻ, trường học,…Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh nên dễ dàng lây nhiễm từ người sang người trong các trường hợp:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.
  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.
  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.
  • Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Các biến chứng có thể gặp phải

Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như: như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71

Điều trị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên đa phần các Bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng và hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ:

  • Dùng các thuốc giảm đau hạ sốt.
  • Uống bù nước.
  • Vệ sinh răng miệng.
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ.
  • Đối với những trẻ đã ăn dặm thì cho trẻ ăn các loại thức dễ ăn như cháo, sữa,… và có thể bổ sung thêm trái cây để tăng cường kháng.

Cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ có những triệu chứng sau:

  • Sốt cao ≥ 39 độ.
  • Thở nhanh, khó thở.
  • Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
  • Đi loạng choạng.
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Co giật, hôn mê.

Phòng ngừa tay chân miệng

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
  • Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
  • Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
  • Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
  • Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
  • Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần nhập viện ngay lập tức.
Ý kiến bạn đọc
19001910