SITOMET 50/500

SITOMET 50/500

202410-0322 • 672 Views • Hộp 03 vỉ x 10 viên nén bao phim

Mỗi viên nén bao phim SITOMET 50/500 có chứa:

Thành phần dược chất chính

Metformin hydroclorid

500 mg

Sitagliptin 50 mg
Tá dược vừa đủ

SITOMET được dùng như liệu pháp hỗ trợ chế độ ăn kiêng và vận động thể lực để cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 phù hợp với trị liệu sitagliptin và metformin.

  • SITOMET được dùng như liệu pháp ban đầu để cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 không kiểm soát tốt được đường huyết với chế độ ăn kiêng và vận động thể lực.
  • SITOMET được dùng như liệu pháp hỗ trợ chế độ ăn kiêng và vận động thể lực để cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 đang dùng metformin hoặc sitagliptin đơn trị liệu hoặc bệnh nhân đã dùng liệu pháp kết hợp sitaglitin với metformin nhưng chưa kiểm soát được đường huyết thích đáng.
  • SITOMET được dùng trong trị liệu kết hợp 3 thuốc với sulfonylurea, như là liệu pháp hỗ trợ chế độ ăn kiêng và vận động thể lực ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa kiểm soát thích đáng đường huyết với bất kỳ 2 trong số 3 thuốc sau đây: metformin, sitagliptin hoặc sulfonylurea.
  • SITOMET được dùng trong trị liệu kết hợp 3 thuốc với chất chủ vận PPARy (nhóm thuốc thiazolidinedion) như là liệu pháp hỗ trợ chế độ ăn kiêng hoặc vận động thể lực ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa kiểm soát thích đáng đường huyết với bất kỳ 2 trong số 3 thuốc sau đây: metformin, sitagliptin hoặc chất chủ vận PPARy.
  • SITOMET được dùng trong liệu pháp kết hợp với insulin, như là liệu pháp hỗ trợ chế độ ăn kiêng và vận động thể lực để cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

CÁCH DÙNG, LIỀU DÙNG

Liều dùng:

Lưu ý khi kê đơn

Nên cá thể hóa liều trị liệu SITOMET trên cơ sở phác đồ hiện tại của bệnh nhân, hiệu quả và khả năng dung nạp của thuốc và không vượt quá liều khuyến cáo tối đa hàng ngày là 100 mg sitagliptin và 2000 mg metformin. Hiện có sẵn các liều sau đây:

50 mg sitagliptin/500 mg metformin hydrochlorid.

50 mg sltagliptin/850 mg metformin hydrochlorid.

50 mg sltagliptin/1000 mg metformin hydrochlorid.

Trị liệu ban đầu

Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 không kiểm soát thích đáng tình trạng tăng đường huyết bằng chế độ ăn kiêng và vận động thể lực, liều khởi đầu SITOMET được khuyến cáo là 50 mg sitagliptin/500 mg metformin hydrochlorid, ngày 2 lần. Nếu bệnh nhân không gặp phản ứng có hại đường tiêu hóa và cần phải tăng liều thì có thể chỉnh liều đến 50 mg sitagliptin/1000 mg metformin hydrochlorid ngày 2 lần sau mỗi khoảng thời gian điều trị từ 1 đến 2 tuần.

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết bằng đơn trị liệu metformin

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết khi dùng metformin đơn trị liệu, liều khởi đầu thường dùng của SITOMET cung cấp sitagliptin liều 50 mg ngày 2 lần (tổng liều 100 mg/ngày) cùng với liều metformin đang sử dụng.

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết bằng đơn trị liệu sitagliptin

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết khi dùng sitagliptin đơn trị liệu, liều khởi đầu thường dùng của SITOMET là 50 mg sitagliptin/500 mg metformin hydrochlorid ngày 2 lần. Có thể tăng liều lên đến 50 mg sitagliptin/1000 mg metformin ngày 2 lần. Không nên chuyển sang dùng SITOMET ở bệnh nhân đang dùng đơn trị liệu sitagliptin với liều điều chỉnh vì suy thận (xem phần Chống chỉ định).

Đối với bệnh nhân chuyển trị liệu từ phác đồ dùng chung sitagliptin với metformin

Đối với bệnh nhân chuyển từ phác đồ dùng chung sitagliptin với metformin, có thể khởi đầu SITOMET bằng liều sitagliptin và metformin đang dùng.

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết bằng liệu pháp kết hợp 2 thuốc với bất kỳ 2 trong số 3 thuốc trị tăng đường huyết sau đây: sitagliptin, metformin hoặc sulfonylurea

Liều khởi đầu thường dùng của SITOMET nên cung cấp liều sitagliptin 50 mg, ngày 2 lần (tổng liều 100 mg/ngày). Nên xem xét mức độ kiểm soát đường huyết và liều hiện dùng metformin (nếu có) khi xác định liều khởi đầu của thành phần metformin. Nên xem xét tăng liều từ từ để làm giảm các tác dụng có hại đường tiêu hóa thường xảy ra khi dùng metformin. Có thể cần giảm liều sulfonylurea ở bệnh nhân hiện dùng hoặc bắt đầu dùng sulfonylurea nhằm làm giảm nguy cơ hạ đường huyết do sulfonylurea gây ra (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết bằng liệu pháp kết hợp 2 thuốc với bất kỳ 2 trong số 3 thuốc trị tăng đường huyết sau đây: sitagliptin, metformin hoặc chất chủ vận PPARy (nhóm thiazolidinedion)

Liều khởi đầu thường dùng của SITOMET nên cung cấp liều sitagliptin 50 mg, ngày 2 lần (tổng liều 100 mg/ngày). Phải xem xét mức độ kiểm soát đường huyết và liều hiện dùng metformin (nếu có) khi xác định liều khởi đầu của thành phần metformin. Xem xét tăng liều từ từ để làm giảm các tác dụng có hại đường tiêu hóa thường xảy ra khi dùng metformin.

Đối với bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết bằng liệu pháp kết hợp 2 thuốc với bất kỳ 2 trong số 3 thuốc trị tăng đường huyết sau đây: sitagliptin, metformin hoặc insulin

Liều khởi đầu thường dùng của SITOMET nên cung cấp liều sitagliptin 50 mg, ngày 2 lần (tổng liều 100 mg/ngày). Phải xem xét mức độ kiểm soát đường huyết và liều hiện dùng của metformin (nếu có) khi xác định liều khởi đầu của thành phần metformin. Xem xét tăng liều từ từ để làm giảm các tác dụng có hại đường tiêu hóa thường xảy ra khi dùng metformin. Có thể giảm liều insulin ở bệnh nhân đang hoặc mới khởi đầu điều trị với insulin để giảm nguy cơ hạ đường huyết (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc). Chưa có nghiên cứu khảo sát cụ thể tính an toàn và hiệu lực của SITOMET ở bệnh nhân trước đây dùng các thuốc trị tăng đường huyết khác và đã chuyển sang dùng SITOMET. Nên thận trọng và có giám sát phù hợp khi có bất kỳ thay đổi trong trị liệu đái tháo đường vì có thể xảy ra những thay đổi trong kiểm soát đường huyết.

Sử dụng thuốc trên các đối tượng đặc biệt:

Trẻ em

Chưa xác lập tính an toàn và hiệu lực của SITOMET ở bệnh nhân trẻ em dưới 18 tuổi.

Người cao tuổi

SITOMET

Vì sitagliptin và metformin được đào thải chủ yếu qua thận và vì chức năng thận thường giảm khi cao tuổi, nên dùng cẩn thận SITOMET khi tuổi càng cao. Nên thận trọng khi chọn liều và dựa trên sự giám sát chức năng thận cẩn thận và thường xuyên (xem phần Cảnh váo và thận trọng khi dùng thuốc).

Sitagliptin phosphat

Trong các nghiên cứu lâm sàng, tính an toàn và hiệu quả của sitagliptin ở người cao tuổi ( ≥ 65 tuổi) tương tự như ở bệnh nhân trẻ tuổi hơn (< 65 tuổi).

Metformin hydrochlorid

Những nghiên cứu lâm sàng đối chứng với metformin có số lượng bệnh nhân cao tuổi không đủ để chứng minh họ có đáp ứng khác với bệnh nhân trẻ tuổi hơn hay không, mặc dù báo cáo từ kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng khác không tìm thấy được những khác biệt về đáp ứng điều trị giữa bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

Bệnh nhân suy thận

Không cần điều chỉ liều ở bệnh nhân suy thận nhẹ (eGFR ≥ 60 mL/phút/1,73 m2).

Cần đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với SITOMET và sau đó đánh giá định kỳ ít nhất mỗi năm. Ở các bệnh nhân có nguy cơ tăng tiến triển suy thận và ở người cao tuổi, nên đánh giá chức năng thận thường xuyên hơn, ví dụ: mỗi 3 – 6 tháng.

Liều tối đa hàng ngày của metformin nên được chia thành 2 – 3 liều mỗi ngày. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic nên được cân nhắc trước khi bắt đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân có eGFR < 60 mL/phút/1,73 m2.

Chống chỉ định SITOMET trên bệnh nhân có eGFR dưới 30 mL/phút/1,73 m2.

Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với SITOMET ở bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 − 45 mL/phút/1,73 m2 do các bệnh nhân này yêu cầu dùng sitagliptin với mức liều thấp hơn liều có sẵn trong phối hợp của SITOMET.

Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin và có eGFR giảm xuống dưới 45 mL/phút/1,73 m2, đánh giá nguy cơ − lợi ích khi tiếp tục điều trị.

Ngừng sử dụng SITOMET nếu bệnh nhân có eGFR giảm xuống dưới 30 mL/phút/1,73 m2 (xem phần Chống chỉ định, Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

Ngừng sử dụng metformin khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod

Trên những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng từ 30 − 60 mL/phút/1,73 m2, trên những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc trên những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch, ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Đánh giá lại chỉ số eGFR sau khi chiếu chụp 48 giờ sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

Cách dùng:

SITOMET thường được dùng ngày 2 lần, uống nguyên viên cùng với bữa ăn, với liều tăng từ từ nhằm giảm các tác dụng có hại đường tiêu hóa thường xảy ra khi dùng metformin.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Quá mẫn với sitagliptin, metformin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Đái tháo đường không phụ thuộc insulin và/hoặc đái thái đường không ổn định.
  • Nhiễm toan chuyển hóa cấp tính hay mạn tính (bao gồm nhiễm toan ceton do đái tháo đường) kèm hôn mê hoặc không, tiền sử nhiễm toan ceton kèm hôn mê hoặc không.
  • Bệnh nhân có tiền sử nhiễm toan lactic bất kể có yếu tố dự đoán trước hay không (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).
  • Trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng tổn thương thận nghiêm trọng (eGFR < 30 mL/phút/1,73 m2), bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân đang lọc máu hoặc khi không biết rõ chức năng thận (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

- Ngộ độc rượu cấp, nghiện rượu.

- Bệnh nhân đang bị rối loạn chức năng gan nghiêm trọng. Do tình trạng này có liên quan đến một số trường hợp nhiễm toan lactic, không nên dùng SITOMET cho những bệnh nhân có bằng chứng lâm sàng hoặc kết quả xét nghiệm chứng minh bệnh gan.

  • Trong các trường hợp trụy tim mạch và các tình trạng bệnh liên quan đến hạ oxy máu như suy tim, suy hô hấp (là những tình trạng liên quan đến sự tăng acid lactic máu).
  • Các tình trạng stress như nhiễm trùng nặng, chấn thương hay phẫu thuật và giai đoạn phục hồi sau đó.
  • Bệnh nhân đang bị shock hoặc mất nước nghiêm trọng.
  • Trong suốt thai kỳ và giai đoạn cho con bú (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).
  • Gần hoặc tại thời điểm dùng thuốc các quang có chứa iod do có thể gây ra suy giảm cấp tính chức năng thận (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).  

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

SITOMET

Không dùng SITOMET cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc để điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Viêm tụy: Đã có báo cáo về viêm tụy cấp, bao gồm viêm tụy xuất huyết hoặc hoại tử gây tử vong và không gây tử vong (xem phần Tác dụng không mong muốn) ở bệnh nhân dùng sitagliptin. Nên thông báo cho bệnh nhân biết triệu chứng đặc trưng của viêm tụy cấp là đau bụng dữ dội và liên tục. Viêm tụy được ghi nhận phục hồi sau khi ngưng dùng sitagliptin. Nếu nghi ngờ viêm tụy, nên ngừng dùng sitagliptin và các thuốc có nghi ngờ khác.

Giám sát chức năng thận: Metformin và sitagliptin được đào thải chủ yếu qua thận. Nguy cơ tích lũy metformin và nhiễm toan lactic tăng theo mức độ suy thận. Chống chỉ định SITOMET ở bệnh nhân suy thận nặng với eGFR < 30 mL/phút/1,73 m2 (xem phần Cách dùng, liều dùng, Chống chỉ định, Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

Trước khi khởi đầu điều trị với SITOMET và sau đó ít nhất mỗi năm nên đánh giá và xác minh chức năng thận bình thường. Nên đánh giá chức năng thận thường xuyên hơn ở bệnh nhân được dự đoán sẽ rối loạn chức năng thận và ngưng dùng SITOMET nếu có bằng chứng suy thận.

Sitagliptin phosphat monohydrat

Hạ đường huyết: Trong các thử nghiệm lâm sàng với sitagliptin đơn trị liệu và dùng kết hợp với các thuốc được biết rõ không gây hạ đường huyết (như metformin hoặc pioglitazon), tỷ lệ các báo cáo hạ đường huyết khi dùng sitagliptin cũng tương tự như ở bệnh nhân dùng placebo. Giống như các thuốc trị tăng đường huyết khác, đã quan sát thấy hạ đường huyết khi dùng sitagliptin và metformin kết hợp với insulin hoặc 1 thuốc nhóm sulfonylurea (xem phần Tác dụng không mong muốn). Do đó, để giảm nguy cơ hạ đường huyết do sulfonylurea hoặc do insulin, có thể xem xét giảm liều sulfonylurea hoặc insulin (xem phần Cách dùng, liều dùng).

Phản ứng quá mẫn: Đã có các báo cáo sau lưu hành về những phản ứng quá mẫn nghiêm trọng ở bệnh nhân dùng sitagliptin, một thành phần của SITOMET. Các phản ứng này bao gồm phản ứng phản vệ, phù mạch và các tình trạng tróc da kể cả hội chứng Stevens − Johnson. Vì các phản ứng này được báo cáo tự nguyện từ dân số chưa biết rõ cỡ mẫu, nên thường không thể ước tính chắc chắn tần suất hoặc xác lập mối quan hệ nhân quả với việc sử dụng thuốc. Các phản ứng này bắt đầu xuất hiện trong 3 tháng đầu điều trị với sitagliptin, với vài báo cáo xảy ra sau liều đầu tiên. Nếu nghi ngờ có phản ứng quá mẫn, phải ngưng dùng SITOMET, đánh giá các nguyên nhân tiềm năng khác và dùng trị liệu đái tháo đường khác thay thế (xem Chống chỉ định và Tác dụng không mong muốn).

Đau khớp: Đã có các báo cáo sau lưu hành về đau xương, có thể nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế DPP–4. Sau khi bắt đầu điều trị, các triệu chứng có thể khởi phát nhanh hoặc có thể xảy ra sau đó với các khoảng thời gian lâu hơn. Nên cân nhắc ngưng dùng thuốc ở các bệnh nhân đã có tiền sử hoặc đang có đợt bùng phát các triệu chứng ở xương trong quá trình điều trị với các thuốc ức chế DPP–4.

Bóng nước pemphigoid: Đã có báo cáo sau lưu hành về các trường hợp bị bóng nước pemphigoid khi dùng thuốc ức chế DPP–4. Trong các trường hợp được báo cáo, bệnh nhân thường hồi phục khi điều trị ức chế hệ miễn dịch toàn thân hoặc tại chỗ và ngừng thuốc ức chế DPP–4. Khuyến cáo bệnh nhân báo cáo về sự phát triển của bóng nước hoặc trợt da trong khi dùng SITOMET. Nếu nghi ngờ xuất hiện bóng nước pemphigoid, nên ngừng dùng SITOMET và chuyển đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Metformin hydrochlorid

Nhiễm toan lactic: Nhiễm toan lactic là biến chứng chuyển hóa hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể xảy ra do tích lũy metformin trong lúc điều trị với SITOMET (sitagliptin phosphat/metformin HCl) có thể gây tử vong khoảng 50% trường hợp. Nhiễm toan lactic cũng có thể xảy ra cùng với một số các tình trạng sinh lý bệnh khác, bao gồm đái tháo đường và bất cứ lúc nào có tình trạng giảm tưới máu mô và giảm oxy trong máu. Nhiễm toan lactic được đặc trưng bởi nồng độ lactat tăng lên trong máu (> 5 mmol/L), giảm pH máu, rối loạn điện giải với khoảng trống anion và tỷ lệ lactat/pyruvat tăng. Khi metformin được xem là nguyên nhân gây nhiễm toan lactic, thường tìm thấy nồng độ metformin trong huyết tương > 5 µg/mL.

Tỷ lệ nhiễm toan lactic được báo cáo rất thấp ở bệnh nhân dùng metformin hydrochlorid (xấp xỉ 0,03 trường hợp/1000 bệnh nhân − năm, với khoảng 0,015 trường hợp tử vong/1000 bệnh nhân − năm). Trong các thử nghiệm lâm sàng với hơn 20.000 bệnh nhân – năm dùng metformin không có báo cáo nào về nhiễm toan lactic. Các trường hợp được báo cáo xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân đái tháo đường bị suy thận đáng kể, bao gồm bệnh lý ở thận lẫn giảm tưới máu thận, thường gặp khi có nhiều vấn đề về sức khỏe/phẫu thuật xảy ra cùng lúc và dùng đồng thời nhiều loại thuốc. Bệnh nhân suy tim sung huyết cần điều trị bằng thuốc, đặc biệt là người suy tim sung huyết không ổn định hoặc cấp tính có nguy cơ giảm tưới máu và giảm oxy máu, đều tăng nguy cơ nhiễm toan lactic.

Nguy cơ nhiễm toan lactic tăng theo mức độ suy thận và tuổi tác bệnh nhân. Do đó có thể giảm đáng kể nguy cơ nhiễm toan lactic bằng cách giám sát thường xuyên chức năng thận ở bệnh nhân dùng metformin và dùng liều metformin tối thiểu có hiệu quả. Đặc biệt, nên giám sát cẩn thận chức năng thận khi dùng thuốc ở người cao tuổi. Ngoài ra, nên ngưng dùng metformin ngay khi có bất kỳ tình trạng liên quan đến giảm oxy máu, mất nước hoặc nhiễm trùng hệ thống (sepsis). Do suy giảm chức năng gan có thể hạn chế đáng kể khả năng thải trừ lactat, nên thường tránh dùng metformin ở bệnh nhân có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm về bệnh gan. Bệnh nhân nên cẩn thận tránh uống rượu quá mức khi đang dùng metformin, dù uống trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, vì rượu có khả năng làm tăng tác động của metformin hydrochlorid lên chuyển hóa lactat. Ngoài ra, nên ngưng dùng metformin tạm thời trước khi tiêm chất cản quang đường tĩnh mạch và trước khi được phẫu thuật.

Tình trạng khởi đầu nhiễm toan lactic thường không dễ phát hiện và chỉ kèm theo những triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, đau cơ, giảm hô hấp, tăng tình trạng buồn ngủ và đau bụng không đặc hiệu. Có thể kèm theo hạ thân nhiệt, hạ huyết áp và loạn chậm nhịp tim kháng trị với tình trạng nhiễm toan rõ rệt hơn. Bệnh nhân và bác sĩ phải biết tầm quan trọng của các triệu chứng này và nên hướng dẫn bệnh nhân thông báo cho bác sĩ ngay nếu chúng xảy ra. Nên ngưng dùng metformin cho đến khi giải quyết khỏi các tình trạng này. Có thể hữu ích khi đo nồng độ các chất điện giải, thể ceton trong huyết thanh, đường huyết, và nếu có chỉ định, đo pH máu, lactat máu, và thậm chí nồng độ metformin trong máu. Một khi bệnh nhân đã dùng ổn định bất kỳ liều nào của metformin, thì các triệu chứng ở đường tiêu hóa thường gặp khi khởi đầu trị liệu có khả năng không liên quan đến thuốc. Những triệu chứng đường tiêu hóa xảy ra về sau có thể do nhiễm toan lactic hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.

Nồng độ lactat trong huyết tương tĩnh mạch lúc đói cao hơn mức tối đa cho phép nhưng dưới 5 mmol/L ở bệnh nhân dùng metformin không nhất thiết biểu thị tình trạng nhiễm toan lactic sắp xảy ra mà có thể là do những cơ chế khác, như kiểm soát kém bệnh đái tháo đường hoặc béo phì, vận động thể lực nhiều, hoặc các vấn đề kỹ thuật khi lấy mẫu máu.

Nên nghĩ đến nhiễm toan lactic ở bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nhưng không có bằng chứng nhiễm toan ceton (ceton niệu và ceton máu).

Nhiễm toan lactic là tình trạng y khoa khẩn cấp, cần được điều trị tại bệnh viện, cần ngưng dùng metformin ngay khi bệnh nhân bị nhiễm toan lactic và điều trị ngay lập tức bằng các biện pháp nâng đỡ tổng quát. Vì có thể thẩm tách metformin hydrochlorid (với độ thanh lọc đến 170 mL/phút trong điều kiện huyết động học tốt), nên khuyến cáo thẩm phân máu ngay lập tức để điều chỉnh tình trạng nhiễm toan và để loại bỏ lượng metformin tích lũy. Việc điều trị như vậy thường làm mất các triệu chứng và hồi phục ngay lập tức (xem phần Chống chỉ định).

Hạ đường huyết: Hạ đường huyết không xảy ra ở bệnh nhân dùng metformin đơn độc trong các trường hợp sử dụng thuốc như thường lệ, nhưng có thể xảy ra nếu thu nạp không đủ calori khi việc bổ sung calori không bù đắp được tình trạng hoạt động quá mức, hoặc trong lúc dùng đồng thời các thuốc hạ đường huyết khác (như các sulfonylurea và insulin) hoặc dùng rượu (ethanol). Bệnh nhân cao tuổi, yếu sức hoặc suy dinh dưỡng và người thiểu năng tuyến thượng thận hoặc tuyến yên hoặc ngộ độc rượu, đặc biệt nhạy cảm với tác động hạ đường huyết. Có thể khó nhận biết tình trạng hạ đường huyết ở người cao tuổi và ở người đang dùng thuốc chẹn thụ thể β − adrenergic.

Sử dụng đồng thời các thuốc có thể ảnh hưởng đền chức năng thận hoặc sự thải trừ metformin: Các thuốc dùng đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc làm thay đổi đáng kể huyết động học hoặc có thể cản trở sự thải trừ metformin, như là các thuốc cation được đào thải qua sự bài tiết ở ống thận (xem phần Tương tác thuốc).

Chẩn đoán hình ảnh có tiêm nội mạch chất cản quang chưa iod (ví dụ chụp đường niệu có tiêm cản quang, chụp đường mật có tiêm cản quang, chụp động mạch và chụp cắt lớp điện toán (CT) với chất cản quang tĩnh mạch): Tiêm chất cản quang chứa iod vào nội mạch ở những bệnh nhân đang dùng metformin có thể dẫn đến thay đổi chức năng thận cấp tính và gây ra nhiễm toan lactic. Do đó, ngưng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod trên những bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng từ 30 − 60 mL/phút/1,73 m2, những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc trên những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod theo đường động mạch. Đánh giá lại chỉ số eGFR sau khi chiếu chụp 48 giờ, sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định (xem phần Cảnh báo và thận trọng).

Tình trang giảm oxy: Trụy tim mạch (sốc) do bất kỳ nguyên nhân nào, suy tim sung huyết cấp, nhồi máu cơ tim cấp và các bệnh lý khác đặc trưng bởi tình trạng giảm oxy máu thường liên quan đến nhiễm toan lactic và cũng có thể gây azote trong máu do nguyên nhân trước thận (tăng nồng độ các chất thải nitơ trong máu). Nên ngưng trị liệu SITOMET ngay nếu xảy ra các biến cố như vậy.

Phẫu thuật: Nên ngưng dùng SITOMET tạm thời khi tiến hành bất kỳ phẫu thuật (ngoại trừ các thủ thuật nhỏ không kèm theo hạn chế thu nạp nước và thức ăn) và chỉ dùng trở lại khi bệnh nhân có thể ăn, uống qua đường miệng và chức năng thận được đánh giá bình thường.

Uống rượu: Rượu đã được biết rõ có khả năng làm tăng tác động của metformin lên sự chuyển hóa lactat. Do đó, nên cảnh báo bệnh nhân không nên uống rượu nhiều trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính) trong khi dùng SITOMET.

Tổn thương chức năng gan: Do suy giảm chức năng gan thường liên quan với một số trường hợp nhiễm toan lactic, nên thường tránh dùng SITOMET ở bệnh nhân có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm về bệnh gan.

Nồng độ vitamin B12: Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng dùng metformin 29 tuần, khoảng 7% bệnh nhân có nồng độ vitamin B12 giảm dưới mức bình thường ban đầu nhưng không có biểu hiện lâm sàng. Tình trạng giảm vitamin B12 có thể do cản trở hấp thu B12 từ phức hợp yếu tố nội tại − B12, tuy nhiên rất hiếm kết hợp với tình trạng thiếu máu, tình trạng này sẽ phục hồi nhanh khi ngưng dùng metformin hoặc dùng thuốc bổ sung vitamin B12. Nên đánh giá các thông số huyết học mỗi năm ở bệnh nhân dùng SITOMET và kiểm tra, quản lý các thay đổi bất thường rõ rệt.

Các cá nhân (người thu nạp hoặc hấp thu không đủ vitamin B12 hoặc calci) có khả năng có nồng độ vitamin B12 dưới mức bình thường. Ở các bệnh nhân này, có thể hữu ích khi đo nồng độ vitamin B12 huyết thanh thường quy mỗi 2 − 3 năm.

Thay đổi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân đã kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 2 trước đây: Nếu bệnh nhân đái tháo đường type 2 trước đây được kiểm soát tốt với SITOMET lại có kết quả xét nghiệm bất thường hoặc có bệnh lý lâm sàng (đặc biệt bệnh không rõ ràng và khó xác định), nên đánh giá ngay để tìm bằng chứng nhiễm toan ceton hoặc nhiễm toan lactic. Các đánh giá nên bao gồm các chất điện giải và thể ceton trong huyết thanh, glucose máu, và nếu được chỉ định, pH máu, lactat, pyruvat và nồng độ metformin trong máu. Phải ngưng SITOMET ngay và bắt đầu dùng các biện pháp chữa trị phù hợp khác nếu xảy ra tình trạng nhiễm toan do 1 trong 2 dạng nhiễm toan này.

Không kiểm soát được glucose máu: Khi bệnh nhân đang ổn định với phác đồ trị liệu đái tháo đường nào đó lại gặp stress như sốt, chấn thương, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật, thì có thể xảy ra mất kiểm soát đường huyết tạm thời. Vào các thời điểm như thế, có thể cần phải ngưng dùng SITOMET và tạm thời dùng insulin. Có thể dùng lại SITOMET sau khi đã qua khỏi đợt cấp tính này.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Nơi khô, dưới 30°C, tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất. Không dùng thuốc quá thời hạn sử dụng.

Vỉ Al/Al. Hộp 03 vỉ x 10 viên nén bao phim kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng.
Your comment

Similar products

SITOMET 50/850
Hộp 03 vỉ x 10 viên nén bao phim
Contact Us
ACTIDINE 100
Hộp 05 vỉ × 10 viên nén
Contact Us
SITOMET 50/1000
Hộp 03 vỉ x 10 viên nén bao phim
Contact Us
SITOVIA 50
Hộp 02 vỉ x 14 viên nén bao phim
Contact Us
Metformin Boston 850
Box of 5 blisters x 20 film-coated tablets
Contact Us
19001910
Confirm information
Please confirm that you are a pharmacist, doctor, medical specialist,... and want to learn about the product. The information described here is only to help readers better understand the product, not for advertising or treatment purposes.